Lịch sử Đồ_Bàn

Tháp Cánh Tiên hiện còn trong thành Vijaya xưa

Sau khi kinh đô cũ Indrapura bị quân đội Lê Hoàn của Đại Cồ Việt tấn công và phá hủy năm 982. Triều đình Chăm Pa lánh nạn vào phương Nam. Lưu Kế Tông, một vị tướng của Lê Hoàn đã ở lại và cai trị khu vực bắc Chăm từ Quảng Bình vào Quảng Nam ngày nay.

Ở phía Nam, người Chăm đã tôn một vị lãnh đạo của mình lên ngôi với tên hiệu là Harivarman II vào năm 988. Ông đã cho xây dựng Vijaya là quốc đô của mình. Sau cái chết của Lưu Kế Tông, người Việt rút lui khỏi vùng đất phía bắc, Harivarman II đã lấy lại và dời đô và kinh đô cũ Indrapura, tuy nhiên tới khoảng năm 999 vị vua kế tiếp là Sri Vijaya Yangkupu đã vĩnh viễn dời đô về Vijaya. Việc dời đô về Vijaya được Tống sử ghi lại khi đoàn sứ thần của Chăm Pa tới nhà Tống (Trung Quốc) vào năm 1005.

Trong 5 năm thế kỷ là kinh đô, Vijaya phải chịu nhiều cuộc tấn công từ Đại Việt, Chân Lạp, Xiêm, Nguyên Mông. Người Khmer đã tấn công vào rất nhiều lần, có những thời gian Vijaya chịu sự cai trị của Chân Lạp từ 1145-1149 và 1190-1192. Xiêm La dưới thời vương triều Sukhothai cũng góp phần vào trận chiến năm 1313 nhưng sau đó đã rút lui bởi sự can thiệp của nhà Trần (Đại Việt), Nguyên Mông tấn công Vijaya và năm 1283. Nhưng nhiều nhất vẫn là các cuộc tấn công từ các vương triều Đại Việt, các thống kê cho thấy Vijaya bị tấn công từ Đại Việt vào các năm 1044, 1069, 1074 (nhà Lý), 1252, 1312, 1377 (nhà Trần), 1403 (nhà Hồ), 1446, 1471 (nhà Lê). Trận chiến tại thành Vijaya vào năm 1471 với quân đội nhà Lê (Đại Việt) cũng chấm dứt sự tồn tại sau 5 thế kỷ là quốc đô của Vijaya, Chăm Pa mất hoàn toàn miền bắc vào Đại Việt và lui về vùng phía nam đèo Cù Mông.

Thời gian biểu

Năm 982 triều đại vua Yangpuku Vijaya (tiếng Hán Việt là Ngô Nhật Hoan ?) thành Đồ Bàn được xây dựng. Đây là kinh đô cuối cùng của vương quốc Chăm Pa và các vua Chăm đã đóng ở đây từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 15.

Năm 1376, trong trận Đồ Bàn, vua Trần Duệ Tông đem 120.000 quân bộ, thủy đánh thành Đồ Bàn bị Chế Bồng Nga đánh bại, Trần Duệ Tông tử trận.

Năm 1403, Hồ Hán Thương sai tướng đem 200.000 lính vây đánh thành Đồ Bàn ngót hai tháng trời, nhưng bị quân Chiêm Thành phản công quyết liệt, phải rút quân về nước.

Năm 1471, vua Lê Thánh Tông đem một đoàn lục, thủy quân hùng mạnh sang đánh Chăm Pa. Sau khi chiếm được, Lê Thánh Tông ra lệnh phá hủy thành Đồ Bàn.

Năm 1778, Nguyễn Nhạc tự xưng là Trung ương Hoàng Đế nhà Tây Sơn, đóng đô ở đây, nên còn gọi là thành Hoàng Đế, ông cho mở rộng về phía Đông, xây dựng nhiều công trình lớn.

Năm 1799, thành bị quân Nguyễn Ánh chiếm, đổi gọi là thành Bình Định.

Ngày nay, thành Hoàng Đế là một trong những di tích giá trị, quan trọng trong nghiên cứu lịch sử quân sự và khảo cổ học.